A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Thứ tư - 16/08/2023 08:46

Thời gian đã lùi xa nhưng tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng.

Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước, ký tên là Nguyễn Ái Quốc, được truyền đi khắp nơi trước cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công (ảnh trên Inter)

Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước, ký tên là Nguyễn Ái Quốc, được truyền đi khắp nơi trước cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công (ảnh trên Inter)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cả dân tộc ta đã quyết tâm đứng dậy lật đổ ách thống trị của thực dân, đế quốc giành độc lập, tự do, cơm áo, hòa bình. Khái quát đầy đủ ý nghĩa chiến thắng lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.[1]
Đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi là tấm gương, là nguồn cổ vũ cho các quốc gia - dân tộc đang mất độc lập tự do ở châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh, nhất là các nước láng giềng noi theo. Khẳng định vị thế, giá trị thời đại của  thắng lợi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã làm cho chúng ta trở nên một bộ phận trong đại gia đình dân chủ thế giới. Cách mạng Tháng Tám có ảnh hưởng trực tiếp và rất to đến hai dân tộc bạn là Miên và Lào. Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhân dân hai nước Miên, Lào cùng nổi lên chống đế quốc và đòi độc lập”[2].
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã chứng minh một chân lý của thời đại: các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập, tự do; đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân và biết tranh thủ sức mạnh của thời đại thì dân tộc đó nhất định thắng lợi. Vì thế, trong diễn văn kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Người khẳng định: “Suốt trong 80 năm nước ta bị Pháp chiếm, Nhân dân ta từ Nam đến Bắc đã nhiều lần nổi dậy chống giặc ngoại xâm. Nhưng vì bọn vua quan hèn mạt, cấu kết với địch, phản nước hại dân, cho nên các cuộc khởi nghĩa đều thất bại. Cách mạng Nga thành công đã thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, dạy cho họ cách tổ chức, đấu tranh và giành thắng lợi. Nhờ vậy mà ta có Đảng tiên phong, có Mặt trận dân tộc thống nhất, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân, kiên quyết đấu tranh cho độc lập tự do, làm Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân dân ta được hoàn toàn giải phóng: Đã phá tan cái xiềng xích nô lệ thực dân, đã đập đổ cái chế độ thối nát của vua quan phong kiến, đã lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Từ đó dân ta làm chủ nước ta”[3].
Đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại; giáng một đòn chí mạng vào nền móng của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất; cùng với Liên Xô, các lực lượng tiến bộ trên thế giới và quân đồng minh đánh đổ chủ nghĩa thực dân phát xít, giữ vững hòa bình cho khu vực và trên thế giới. Tinh thần của chiến thắng lịch sử, do đó, cũng là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, chiến thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Về vấn đề này, Người dẫn lại đánh giá của Báo Nhân dân Inđônêxia: “Chúng ta chỉ có thể bày tỏ sự kính trọng và lòng khâm phục cao nhất đối với nhân dân Việt Nam anh hùng... Với sự chiến đấu anh dũng của họ, Nhân dân Việt Nam đã tự đặt mình lên vị trí vẻ vang nhất trên thế giới...”[4].
Thắng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã chứng minh tính cách mạng, khoa học của học thuyết Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; là sự tiếp nối và là thắng lợi tất yếu sau thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại năm 1917: “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh sự đúng đắn của học thuyết Mác - Lênin về vấn đề dân tộc thuộc địa, đã chứng minh sự đúng đắn của con đường của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại đã vạch ra”[5]. Về vấn đề này, trong bài viết Cách mạng tháng Mười Nga mở đường giải phóng cho các dân tộc trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thực tiễn ở Việt Nam đã chứng tỏ rằng nhờ có sự lãnh đạo của đảng Mác - Lênin mà cách mạng đã thu được thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội”[6].
Thời gian đã lùi xa nhưng tầm vóc ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng. Đó là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, một dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chẳng những giai cấp lao động và Nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”[7].
Hiện nay, dân tộc Việt Nam đang bước tiếp con đường mà chúng ta đã chọn, từng bước khẳng định vị thế của đất nước đối với khu vực và thế giới. Với những thành tựu mà chúng ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và đối ngoại…chúng ta có quyền tin tưởng rằng, chúng ta đang đi đúng hướng và có những chiến lược, sách lược hợp lý để đất nước ngày càng trở nên giàu mạnh, hùng cường.

                                                                                                                                                                                                        Chu Mai Phong
                                                                                                                                                                                                   (Trường Chính trị tỉnh Kon Tum)

 


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập,tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.25

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập,tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011. Tr26

[3]  Hồ Chí Minh, Toàn tập,Sđd, tập 10, tr.85

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập,Sđd, tập 14, tr.622

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập,Sđd, tập 11, tr.180

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.487.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập,tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011. Tr25


Nguồn:https://tuyengiaokontum.org.vn/Lich-su/y-nghia-thoi-dai-cua-cach-mang-thang-tam-nam-1945-5907.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
TUYÊN TRUYỀN DỊCH VỤ CÔNG
Thống kê truy cập
Hôm nay : 0
Tháng trước : 109
Năm 2024 : 1.635
LIÊN KẾT